CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN BẤT ĐỘNG SẢN TOÀN CẦU
HỖ TRỢ
Tầng M, TTTC Bảo Việt, 233 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
GLOBAL PROPERTY CORPORATION (GP.Corp)

Hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS

Thứ Tư, 09/10/2024
Gpcorp

Chiều 8/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Ba dự án Luật này được Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm trước 5 tháng, nhằm giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông các động lực, phát huy các nguồn lực đất đai, vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tăng tốc để hoàn thành các văn bản quy định chi tiết 3 Luật

Sau khi 3 dự án Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, Chính phủ đã cùng với các địa phương xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản theo thẩm quyền 15 Nghị định và 2 Quyết định của Thủ tướng. Tuy nhiên, đến ngày 7/10/2024, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện.

Hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS- Ảnh 1.

Chiều 8/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị toàn quốc về triển khai thi hành các dự án Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản.

Nguyên nhân được chỉ ra do đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nên số lượng các nội dung giao cho địa phương quy định nhiều, trong khi các địa phương đều hạn chế về nguồn nhân lực, thời gian, kinh nghiệm. Đa số địa phương còn khó khăn, lúng túng nên chưa ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản triển khai thi hành Luật thuộc thẩm quyền. Hai nội dung liên quan đến điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024, và công tác đấu giá quyền sử dụng đất nhiều địa phương chưa thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các quyết định theo thẩm quyền; mức độ ảnh hưởng ra sao đến phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, việc huy động nguồn lực đất đai, vận hành của thị trường bất động sản; việc thực hiện cơ chế, chính sách về nhà ở...

Các địa phương cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu để tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền vào 15/10 tới. Đồng thời, đề xuất rõ những khó khăn, vướng mắc cần Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng tháo gỡ, giải quyết.

"Mục tiêu cuối cùng là tăng tốc để hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, để đáp ứng yêu cầu hết sức cấp bách, cần thiết của cuộc sống nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa ra những chính sách tốt hơn", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Cam kết từ các địa phương

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo báo cáo mới nhất của các địa phương về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành như sau: 13 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, gồm: Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Định, Tây Ninh, Cà Mau; 50 địa phương chưa ban hành, trong đó, 10 địa phương đã hoàn thiện việc xây dựng và đang trình UBND tỉnh xem xét, ban hành; 40 địa phương đang trong quá trình xây dựng hoặc đang trình lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp...

Nhận trách nhiệm trong việc chậm trễ ban hành các văn hướng dẫn triển khai thi hành các Luật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch cho biết, đối với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức điều chỉnh chương trình phát triển nhà của tỉnh Cao Bằng đến năm 2030 và xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay chưa hình thành các khu công nghiệp, nhu cầu về nhà ở xã hội còn rất thấp, chưa thu hút được các nhà đầu tư quan tâm, các dự án trên địa bàn tỉnh còn ít.

Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy định chi tiết về Luật Nhà ở, hiện nay có một số nội dung mới tỉnh Cao Bằng đang giao các Sở, ban ngành nghiên cứu để ban hành các văn bản hướng dẫn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, địa phương đang dự thảo các Nghị quyết trình HĐND tỉnh. Song do kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh bị ảnh hưởng của tình hình thiên tai, bão lũ nên bị lùi lại sang tháng 10.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng nhận trách nhiệm về việc chậm tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết các Luật, đồng thời quyết tâm cao nhất để tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản này theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường thông báo đã ban hành được 8/14 văn bản theo thẩm quyền, trong đó có các văn bản quan trọng gắn với bảng giá cho nhà ở, công trình, vật tư, kiến trúc trong quá trình bồi thường, công tác hỗ trợ tái định cư.

Trong 6 văn bản còn lại thì có 5 văn bản thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố đang được lấy ý kiến, phấn đấu ngay sau ngày 15/10 sẽ ban hành; 1 văn bản thuộc thẩm quyền HĐND Thành phố về các tiêu chí quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất cũng đang hoàn thiện và sẽ đăng ký để trong kỳ họp HĐND Thành phố sớm nhất ban hành văn bản này.

Về 9 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở thuộc thẩm quyền của TP.HCM, có 1 nội dung đã hoàn thành, 1 nội dung đã lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, 7 nội dung đang tập trung hoàn thiện và lấy ý kiến thành viên UBND Thành phố lần 2, dự kiến ban hành chậm nhất vào ngày 20/10. Về Luật Kinh doanh bất động sản, Thành phố đang lấy ý kiến Bộ Tư pháp để hướng dẫn đối với nội dung đất có hạ tầng kỹ thuật trong các dự án bất động sản.

Với Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, Hà Nội đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những văn bản không còn hiệu lực, bảo đảm chặt chẽ về quy định, nhưng cũng có hướng dẫn cụ thể để cho người dân, doanh nghiệp dễ tra soát, dễ thực hiện, các địa phương không bị vướng mắc.

Về triển khai Luật Kinh doanh bất động sản, có nội dung ban hành quy chế phối hợp về xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ cung cấp thông dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản trên địa bàn, Thành phố ban hành quy chế mới và đang giao cho các cơ quan chuẩn bị và trong tháng 11/2024 sẽ ban hành.

Về Luật Đất đai, Hà Nội đã ban hành 3 quyết định ban hành quy định về một số thẩm quyền UBND Hà Nội về xác định giá đất, về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố, và một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai. Hai nội dung cần hoàn thiện thủ tục là: Quy định chi tiết về đất trồng lúa, bộ tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Ngoài ra, liên quan đến một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố thông qua như: Ưu đãi, miễn, giảm tiền thuê đất theo từng khu vực, giao đất không thu tiền sử dụng đất cho thuê đất cho khu công nghệ cao… trong đó, có nội dung đã thông qua vào lỳ họp ngày 4/10, có nội dung sẽ nằm trong kỳ họp chuyên đề vào tháng 11/ 2024 tới đây để kịp thời triển khai.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành cam kết, đế ngày 15/10, sẽ hoàn thành việc ban hành các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Trích nguồn: https://cafef.vn/hoan-thien-cac-van-ban-quy-dinh-chi-tiet-luat-dat-dai-nha-o-kinh-doanh-bds-188241009070551882.chn