Long An phát triển đô thị theo hướng bền vững
Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, thương mại-dịch vụ. Từ sự hình thành, phát triển các khu, cụm công nghiệp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tập trung dân cư, góp phần mở rộng các thị trấn, thị tứ hiện có và tạo lập thêm nhiều điểm dân cư đô thị mới.
Năm 2011, tỉnh xây dựng và triển khai Chương trình phát triển đô thị với nhiều điểm đặc biệt quan trọng. Đến nay, ngành Xây dựng từng bước nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao: Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030; trình phê duyệt chương trình phát triển đô thị các huyện; phối hợp TP.Tân An triển khai thí điểm đề án đô thị thông minh,…
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh TP.Tân An
Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng cho biết, đến nay, có thể nói, diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi rõ nét. Nhiều công trình được đầu tư, xây dựng, tạo ra cảnh quan mới khang trang, sạch, đẹp, diện mạo đô thị khởi sắc, góp phần phát triển KT-XH địa phương, nâng cao cuộc sống người dân trên địa bàn.
Hệ thống đô thị và không gian vùng tỉnh Long An
Long An hiện có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố); có 19 đô thị: 1 đô thị loại II là TP.Tân An; 1 đô thị loại III (thị xã Kiến Tường), 5 đô thị loại IV (thị trấn: Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa); 12 đô thị loại V (thị trấn: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Tầm Vu, Đông Thành, Hiệp Hòa, Bình Phong Thạnh, đô thị khu vực Rạch Kiến và đô thị Long Đức Đông). Trong đó, lấy đô thị TP.Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh; thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; các đô thị Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và trong vùng giáp ranh TP.HCM.
Bến Lức được xác định trở thành đô thị vệ tinh quan trọng của TP.HCM
Thông tin từ UBND thị xã Kiến Tường, địa phương đang là đô thị loại III. Trong giai đoạn 2023-2030, thị xã sẽ quy hoạch phát triển không gian kiến trúc đô thị trở thành đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, xứng tầm vị trí, tiềm năng. Đồng thời, thị xã sẽ xây dựng 2 đến 3 khu đô thị đạt chuẩn đô thị theo quy định; khai thác các nguồn lực, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối mạng lưới đô thị vùng trong và ngoài tỉnh; kết hợp hài hòa giữa cải tạo, xây dựng khu đô thị mới và phát triển thị xã theo các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu;...
Bên cạnh những kết quả đã đạt, Sở Xây dựng nhận định việc phát triển đô thị của tỉnh còn có những khó khăn, hạn chế. Đó là tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với bình quân cả nước; bộ mặt các đô thị tuy có khởi sắc hơn nhưng chưa tạo được sự nổi bật và có bản sắc riêng. Chất lượng các đô thị trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa tốt. Các tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ tăng dân số, dân số toàn đô thị, mật độ dân số; diện tích nhà ở, đất giao thông, đất cây xanh bình quân còn thấp. Hệ thống các công trình hạ tầng xã hội cũng còn thiếu. Phần lớn các đô thị chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; chưa ứng dụng công nghệ số để phát triển đô thị thông minh. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư phát triển đô thị còn hạn chế. Việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách vào đầu tư phát triển đô thị thời gian qua có thực hiện nhưng chưa nhiều,…
Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng, hiện nay, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí nâng cấp các đô thị hiện hữu và hình thành, phát triển các đô thị mới theo hướng hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc.
Đến năm 2030, các đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển bền vững theo mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới.
Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Bên cạnh đó, việc hình thành, phát triển hệ thống đô thị trong tỉnh phải theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững; bảo đảm thực hiện được lộ trình đề ra theo định hướng Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
TP.Tân An hiện là đô thị loại II, được xác định hành trình trở thành đô thị loại I với mục tiêu tổng quát: Xây dựng và phát triển TP.Tân An trở thành một trong những trung tâm đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại, thông minh, có điểm nhấn trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh. Phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025, được công nhận trước năm 2030.
Để đạt được tiêu chí đô thị loại I, TP.Tân An phải mở rộng địa giới hành chính
Thời gian qua, thành phố ưu tiên phát triển thành đô thị thông minh, gắn kết chặt chẽ với việc phát triển TP.Tân An trở thành vùng kết nối giữa TP.HCM và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó có dự án Trung tâm điều hành thông minh được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây là bước đầu trong việc triển khai xây dựng Tân An trở thành thành phố thông minh đầu tiên của tỉnh; đồng thời cũng là cơ sở để Tân An phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hiện thành phố đã và đang tích hợp các dịch vụ giám sát. Đó là giám sát an ninh, trật tự; an toàn giao thông; chiếu sáng thông minh; giám sát hành chính công, chỉ tiêu KT-XH;...
Logo và slogan của đô thị Tân An
Về định hướng quy hoạch phát triển thành phố, cần bảo đảm diện tích tự nhiên từ 150km2 trở lên, ưu tiên lan tỏa đô thị theo hướng Đông Nam gắn với hành lang phát triển phía Nam. Đó là lấy tuyến sông Vàm Cỏ Tây làm trục cảnh quan chính và lấy đường Vành đai TP.Tân An là trục động lực. Song song đó, thực hiện quy hoạch phát triển đô thị hài hòa, đa trung tâm, giữ vững cảnh quan sông nước đặc thù kết hợp hình thành các đô thị mới. Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác kết nối hành lang Đông Tây, hình thành trục liên kết giữa các phân khu đô thị kết hợp với nghiên cứu địa giới hành chính, bảo đảm phù hợp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đến nay, huyện có 2 đô thị (1 đô thị loại IV - thị trấn Cần Giuộc được công nhận vào năm 2015 và 1 đô thị loại V - đô thị Long Đức Đông được công nhận vào năm 2021). Theo quy hoạch, huyện sẽ là đô thị trọng điểm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò hỗ trợ, giảm áp lực gia tăng dân số tại TP.HCM; đồng thời, là đô thị động lực để phát triển KT-XH tại khu vực phía Đông và toàn tỉnh Long An. Còn theo định hướng của tỉnh, huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành đô thị Cần Giuộc trên phạm vi toàn huyện (ở cấp đô thị loại III); đến năm 2030 sẽ thành lập TP.Cần Giuộc trực thuộc tỉnh.
Trích nguồn : https://baolongan.vn/long-an-phat-trien-do-thi-theo-huong-ben-vung-a176854.html