Thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án
Một trong những nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án theo các nhóm vấn đề cụ thể, xác định thẩm quyền xử lý của các cấp có liên quan; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tháo gỡ...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1250/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban chỉ đạo).
Theo đó, thành viên Ban chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Dũng; Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chỉ đạo công tác kiểm sát thi hành án dân sự) và Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương.
Các thành viên Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân và thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo.
“Tùy theo tình hình thực tế, Trưởng Ban chỉ đạo có thể mời thêm Lãnh đạo của một số Bộ, ngành, cơ quan tham gia làm thành viên Ban chỉ đạo hoặc yêu cầu Lãnh đạo Bộ, ngành, cơ quan, địa phương dự họp và báo cáo những vấn đề cần thiết”, nội dung của Quyết định cho biết.
Quyết định cũng nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo.
Thứ nhất, Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có);
Thứ hai, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện: Rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao, xác định nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý; chỉ đạo các bộ, cơ quan hướng dẫn tháo gỡ theo thẩm quyền;
Thứ ba, tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án theo các nhóm vấn đề cụ thể, xác định thẩm quyền xử lý của các cấp có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để hướng dẫn các bộ, cơ quan và địa phương giải quyết theo từng nhóm vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tham mưu Thủ tướng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các nhóm vấn đề vượt thẩm quyền;
Thứ tư, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề mới phát sinh (nếu có);
Thứ năm, xem xét, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, trước đó (ngày 19/9), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khóa XV, về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Các Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố là để đưa nguồn lực từ các dự án này vào cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo nghị quyết) phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tiếp thu, rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết trình Quốc hội. Đây là bước đi đầu tiên thí điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Các địa phương cần tiếp tục rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền các dự án, đất đai có tình trạng tương tự để đề xuất giải pháp xử lý tiếp theo...
Trích nguồn: https://vneconomy.vn/thanh-lap-ban-chi-dao-ve-ra-soat-thao-go-kho-khan-lien-quan-den-cac-du-an.htm